Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ chiếm phần lớn số bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích (IBS). Có bằng chứng cho thấy chu kỳ kinh nguyệt có ảnh hưởng đến các triệu chứng của bệnh. Điều này cho thấy rằng các hóc-môn buồng trứng tăng lên trong thai kỳ có thể góp phần gây ra các triệu chứng ở đường tiêu hóa. Tuy nhiên, hiện vẫn có ít dữ liệu chứng minh công bố này và vốn hiểu biết về các liệu pháp điều trị cho phụ nữ mang thai mắc IBS vẫn còn hạn chế.
Khả năng thụ thai và IBS
Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bằng chứng cho thấy IBS có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Ước tính tại Hoa Kỳ có khoảng 8-10% cặp đôi không thể thụ thai. Hiện vẫn chưa rõ liệu phụ nữ mắc IBS có ít con cái hơn phụ nữ không mắc IBS hay không.
Các triệu chứng của IBS có nặng hơn trong thai kỳ hay không?
Vì một vài lý do, dữ liệu liên quan đến phụ nữ có thai và chức năng đường ruột vẫn còn hết sức hạn chế. Các khảo sát trên phụ nữ có thai cho thấy rằng các triệu chứng trên đường tiêu hóa thường xảy ra trong thai kỳ. Có đến một phần ba phụ nữ mang thai bị táo bón, đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ ba. Nhiều phụ nữ ghi nhận có ợ nóng và buồn nôn nhiều hơn ở tam cá nguyệt thứ nhất và một phần ba phụ nữ ghi nhận tần suất đi ngoài tăng lên trong thai kỳ. Các hóc-môn buồng trứng tăng lên trong thai kỳ và áp lực vật lý mà em bé chèn vào thành ruột có thể góp phần gây nên các triệu chứng trên đường ruột.
Với nhiều phụ nữ, thai kỳ là giai đoạn bị stress nhiều hơn và điều này có thể khiến cho chứng lo âu và trầm cảm nặng hơn dẫn đến các triệu chứng đường tiêu hóa nặng hơn và gia tăng stress. Một lần nữa, đây là một lĩnh vực mà vốn hiểu biết vẫn còn hạn chế và cần nghiên cứu thêm.
Quản lý các triệu chứng
Nhiều phụ nữ lựa chọn không dùng thuốc trong thai kỳ do hầu hết các thuốc này chưa được thử nghiệm trên phụ nữ có thai. Những lo ngại về ảnh hưởng trên sự phát triển của thai nhi và mẹ có thể khiến cho việc sử dụng các thuốc giảm đau, thuốc điều trị tiêu chảy và táo bón bị hạn chế. Tương tự, phụ nữ cũng nên tránh dùng các thuốc dược liệu để điều trị triệu chứng của IBS do những sản phẩm này chưa được nghiên cứu. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong thai kỳ.
Các liệu pháp không phải thuốc trong quản lý các triệu chứng của IBS trong thai kỳ bao gồm: giáo dục, hiểu rõ điều gì sẽ xảy ra và liệu pháp thư giãn
Thay đổi chế độ ăn cũng có thể được xem là phương pháp an toàn cho phụ nữ mang thai, bao gồm: Bổ sung thêm chất xơ ở những người ăn thiếu chất xơ và giảm các thức ăn tạo khí để giúp làm giảm đầy hơi.
Nguồn: https://aboutibs.org/living-with-ibs/pregnancy-and-ibs/