Bệnh tiêu chảy - một căn bệnh bất cứ ai cũng có thể gặp phải kể cả trẻ nhỏ lẫn người lớn. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của căn bệnh mà sức ảnh hưởng của chúng nặng hay nhẹ. Nếu nhẹ, bệnh nhân chỉ mệt mỏi, uể oải, khó chịu trong một vài ngày. Trường hợp nặng và không được cứu chữa kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt nếu bệnh nhân là trẻ em. Hãy cùng tìm hiểu những kiến thức cần biết về căn bệnh này nhé.
Bệnh tiêu chảy là gì?
Tiêu chảy là căn bệnh rối loạn đường tiêu hóa thường gặp nhất. Căn bệnh khiến bệnh nhân đi ngoài phân lỏng tần suất lớn, hơn 3 lần/ngày. Bệnh này thường xuất hiện vào mùa hè nóng bức, thậm chí có thể bùng thành dịch nếu không được xử lý và kiểm soát tốt. Thời xưa việc dùng chung nguồn nước, thức ăn và điều kiện vệ sinh kém nên bệnh tiêu chảy trở thành mối nguy hại cho xã hội. Nhưng ngày nay, với sự tiến bộ của y học, bệnh tiêu chảy không còn quá đáng sợ như trước.
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy, phần lớn là xuất phát từ các yếu tố bên ngoài. Chỉ một phần nhỏ nguyên nhân xuất phát từ cơ thể bệnh nhân. Các nguyên nhân cụ thể như:
- Do ăn uống kém vệ sinh
Nguyên nhân đầu tiên gây ra tiêu chảy xuất phát từ việc ăn uống kém vệ sinh. Việc ăn đồ ăn, thức uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ khiến cơ thể bạn nhận vào vô số vi khuẩn có hại cho hệ tiêu hóa. Không chỉ riêng ăn uống mà ngay cả môi trường sống kém vệ sinh cũng có thể gây bệnh. Vi khuẩn xâm nhập khi tay chân bạn tiếp xúc với miệng. Do vậy phải luôn giữ vệ sinh cơ thể và vệ sinh môi trường sạch sẽ.
- Do cơ thể không dung nạp đường
Khi cơ thể không hấp thụ các loại đường như lactose, fructose… Những loại đường này có trong thực phẩm, trái cây, trứng, sữa… Khi cơ thể không dung nạp, chúng sẽ gây nên tình trạng tiêu chảy cho bạn. Đây là nguyên nhân gây nên bệnh tiêu chảy mạn tính. Chỉ khi bạn ngưng cung cấp các loại đường này thì bạn mới hết tiêu chảy.
Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc căn bệnh không dung nạp đường này không nhiều.
- Do nhiễm khuẩn đường ruột
Trong cơ thể chúng ta chứa nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng. Chúng xâm nhập thông qua tiếp xúc và ăn uống. Trong số đó, có những vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa (còn gọi là lợi khuẩn) và những vi khuẩn gây hại như E.Coli, tụ khuẩn cầu, Salmonella… Nếu số lượng vi khuẩn gây hại quá nhiều sẽ dẫn đến bệnh tiêu chảy phát tác. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể gây biến chứng, ngộ độc cơ thể.
- Do rối loạn nhu động ruột
Ruột luôn nhu động để đẩy thức ăn từ dạ dày qua ruột non, ruột già rồi bài tiết ra ngoài. Tuy nhiên, khi rối loạn nhu động thì tốc độ nhu động quá nhanh, co thắt quá mức. Ruột non không kịp hấp thụ chất dinh dưỡng, nước không được tái hấp thu dẫn đến tiêu chảy cấp.
Các triệu chứng của bệnh tiêu chảy
Những triệu chứng điển hình của bệnh tiêu chảy nhẹ.
- Số lần đi ngoài trong ngày nhiều hơn 3 lần, tần suất liên tục.
- Phân lỏng.
- Đau bụng quặn thắt hoặc đau âm ỉ. Khi cơn đau xuất hiện sẽ khó kiểm soát nhu cầu đại tiện.
Nếu tình trạng bệnh nặng sẽ xuất hiện thêm những triệu chứng sau:
- Phát sốt, mất nước cơ thể khiến môi, da bị khô.
- Hạ thân nhiệt, lờ đờ mệt mỏi.
- Phân tanh hôi khó chịu, có chứa vệt trắng nhầy hoặc máu.
Điều trị bệnh tiêu chảy như thế nào?
Trường hợp bệnh nhẹ, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng cách uống thuốc tây theo sự chỉ định của bác sĩ. Kết hợp với việc bổ sung nước cho cơ thể thông qua uống nước, ăn trái cây. Lưu ý không uống cà phê hoặc các chất kích thích khác. Đồng thời chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ, bổ sung thêm men vi sinh cho cơ thể thông qua những món ăn chứa lợi khuẩn.
Bạn nên nghỉ ngơi để cơ thể nhanh chóng bình phục. Không nên cố gắng làm việc quá sức dẫn đến bệnh tình kéo dài.
Nếu tiêu chảy kéo dài nhiều ngày không khỏi, cơ thể mất nước trầm trọng, sốt, mê man… Bạn cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời. Tránh để gây nên biến chứng nguy hiểm thậm chí mất mạng. Đặc biệt nếu bệnh nhân là trẻ nhỏ bạn càng cần cẩn trọng trong việc chữa trị.
Cách phòng ngừa bệnh tiêu chảy
Phòng bệnh hơn trị bệnh, hãy thực hiện những biện pháp để cơ thể luôn khỏe mạnh. Không nên để khi đổ bệnh mới bắt đầu tìm cách chữa trị. Việc phòng ngừa bệnh tiêu chảy không quá khó, chỉ cần bạn chú ý là sẽ bảo vệ được bản thân và cách thành viên trong gia đình khỏi căn bệnh này.
- Thực hiện ăn chín uống sôi, tuyệt đối không chủ quan mà uống nước lã hay ăn thức ăn sống. Đặc biệt không ăn tiết canh, gỏi tái vì chúng ẩn chứa rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm không riêng gì tiêu chảy.
- Đối với những món ăn tươi (rau sống, trái cây…) cần rửa thật sạch, ngâm nước muối pha loãng 15 phút để loại bỏ những mầm bệnh.
- Giữ vệ sinh thân thể, nhà cửa, môi trường sạch sẽ. Giảm thiểu tối đa những nguy cơ gây bệnh cho bản thân.
- Khi trong nhà có người mắc bệnh, cần xử lý đúng cách để không lây lan cho những thành viên khác cũng như cộng đồng.
- Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ sơ sinh để ngăn ngừa bệnh tiêu chảy do Rotavirus.
Trên đây là những thông tin cần biết về căn bệnh tiêu chảy. Mong rằng các thông tin này sẽ giúp bạn và gia đình có thêm kiến thức phòng và trị bệnh để có một cuộc sống mạnh khỏe, vui vẻ.