Hội chứng ruột kích thích thể hỗn hợp (IBS-M) là gì?

Bất cứ ai cũng có thể bị tiêu chảy vài lần trong đời. Điều tương tự cũng xảy ra với táo bón. Nhưng nếu bạn bị cả hai triệu chứng thường xuyên, bạn có thể đang mắc một dạng của hội chứng ruột kích thích (IBS). Cụ thể, bạn có thể mắc IBS thể hỗn hợp (IBS-M).

 

Hội chứng ruột kích thích thể hỗn hợp (IBS-M) là gì?


IBS gây ra các vấn đề về tiêu hóa như co thắt, đau bụng, chướng bụng, và tiêu chảy, táo bón hoặc cả hai. Bệnh có ba thể, được phân nhóm dựa trên triệu chứng đường ruột chính.


•    IBS-D (tiêu chảy)
•    IBS-C (táo bón)
•    IBS-M (hỗn hợp), còn được gọi là IBS-A (luân phiên)


Bệnh được gọi là “hỗn hợp” bởi vì bạn cứ bị luân phiên giữa tiêu chảy và táo bón, thỉnh thoảng xảy ra khá nhanh. Và một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người mắc IBS thể này có xu hướng bị đau bụng hoặc khó chịu nhiều hơn so với những người mắc IBS-C hoặc IBS-D.


Nguyên nhân gây IBS-M là gì?


Hiện các bác sĩ vẫn không rõ nguyên nhân bệnh là gì. Bệnh có thể là kết quả của nhiều nguyên nhân, và thay đổi ở những người khác nhau. Nguyên nhân bệnh có thể gồm:


 • Di truyền
 • Nhiễm trùng
 • Viêm
 • Cách thức bộ não và hệ tiêu hóa dẫn truyền tín hiệu với nhau
 • Các yếu tố thuộc về tâm lý như stress hoặc sau chấn thương
 • Chế độ ăn
 • Vi khuẩn đường ruột


Chẩn đoán


Hiện không có xét nghiệm khẳng định liệu bạn có mắc IBS-M không. Rất khó để bác sĩ có thể chẩn đoán thể bệnh. Họ thường dựa trên các triệu chứng mà bạn mô tả và kinh nghiệm điều trị của mình để đưa ra chẩn đoán.
Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn về chế độ ăn, các triệu chứng, lối sống, tiền sử gia đình có mắc các vấn đề về tiêu hóa không và các thuốc bạn đang dùng.


Bác sĩ có thể yêu cầu làm một số xét nghiệm thông thường, như:


 • Xét nghiệm máu cơ bản, bao gồm công thức máu, để loại trừ các bệnh khác
 • Xét nghiệm máu chẩn đoán bệnh celiac (khi cơ thể không thể tiêu hóa gluten)
 • Nếu triệu chứng chính là tiêu chảy, bác sĩ có thể sẽ chỉ định xét nghiệm phân


Nếu bạn có bất kỳ “triệu chứng cảnh báo” như sút cân, sốt, xuất huyết hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh lý đường tiêu hóa (bao gồm ung thư đại tràng), bạn có thể cần được nội soi đại tràng.


Điều trị IBS-M


Không thể chữa khỏi IBS, vì thế mục tiêu điều trị là để làm giảm nhẹ các triệu chứng giúp bạn cảm thấy khá hơn và giải quyết các hoạt động thường nhật. Khi táo bón là triệu chứng chính, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung chất xơ.
Các thuốc kê đơn cũng có thể được sử dụng để điều trị. Có thể dùng các thuốc điều trị táo bón, tiêu chảy, đau và trầm cảm hoặc lo âu. Tuy nhiên, điều trị bằng thuốc thường khó đối với IBS-M. Lý do là thuốc điều trị tiêu chảy có thể khiến cho táo bón nặng hơn và ngược lại. Thuốc điều trị IBS-M tốt nhất có thể là các thuốc chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn.


Sống cùng IBS-M


Với một số người, thuốc có thể là một phần quan trọng trong kiểm soát IBS-M. Tuy nhiên, bạn có thể có các lựa chọn khác để cảm thấy tốt hơn với bệnh này – cả về thể chất và tinh thần.


Có thể bạn nên thử thay đổi chế độ ăn để tìm ra loại thức ăn nào giúp bạn khá hơn và loại nào khiến cho các triệu chứng nặng hơn. Ví dụ, nếu bị đầy hơi, hãy thử xem liệu bạn có cảm thấy khá hơn khi không ăn các loại thức ăn gây ra triệu chứng này không, ví dụ như: đậu, hành tây, cần tây, cà rốt, nho, mơ, mận, bắp cải Brussel, bánh quy Pretzel, bánh sừng bò.


Nhiều bệnh nhân IBS cảm thấy khá hơn khi theo chế độ ăn có FODMAP – một loại carbohydrate – thấp. Những người khác cho biết họ cảm thấy khá hơn khi không ăn các loại thức ăn chứa lactose, một loại đường có trong sữa.
Nếu có bất kỳ triệu chứng mới nào, hãy thông báo cho bác sĩ. Việc cứ lo lắng về bệnh sẽ không có lợi cho cả cơ thể và tâm trí của bạn. Nếu có điều gì đó thay đổi, hãy trao đổi thẳng thắn với bác sĩ để tìm ra ý nghĩa của thay đổi đó.
Các kỹ thuật thư giãn cũng có thể hỗ trợ rất lớn cho những người mắc bệnh. Các kỹ thuật như thiền hoặc thôi miên có thể làm giảm các triệu chứng và giúp giảm stress ở những người mắc IBS-M.


Nguồn: https://www.webmd.com/ibs/what-is-ibs-m

Tin liên quan