Bệnh trĩ, căn bệnh mà hẳn ai ai cũng đã từng một lần nghe qua. Một căn bệnh để lại những nỗi ám ảnh cho người mắc phải. Bạn đã có những hiểu biết đúng về căn bệnh này chưa? Hãy cùng tìm hiểu để bớt đi nỗi lo thường trực bạn nhé.
Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ là gì? Triệu chứng nhận biết bệnh trĩ.
Trĩ là một bệnh lý về hậu môn - trực tràng. Các tĩnh mạch ở khu vực hậu môn bị giãn kèm theo máu ứ đọng tích tụ khiến tĩnh mạch phình to. Về lâu dài sẽ gây nên sưng, viêm, chảy máu, đau nhức khó chịu. Nặng nhất khi búi trĩ phát triển lớn và sa ra ngoài hậu môn gây đau đớn cho bệnh nhân khi ngồi.
Bệnh trĩ có 4 cấp độ phát triển tăng dần từ 1 đến 4.
- Trĩ cấp độ 1: Đây là giai đoạn đầu hình thành búi trĩ. Triệu chứng rõ rệt nhất là chảy máu khi đại tiện. Thường bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau nên chủ quan không chữa trị khiến bệnh nặng hơn.
- Trĩ cấp độ 2: Búi trĩ có dấu hiệu xuất hiện mỗi khi bạn rặn. Lúc này tình trạng chảy máu sẽ diễn ra với tần suất cao hơn.
- Trĩ cấp độ 3: Búi trĩ lớn hơn, sa ra ngoài hậu môn gây khó chịu, đau rát. Bạn chỉ có thể đẩy búi trĩ về vị trí ban đầu bằng tay chứ búi trĩ không tự co lại được.
- Trĩ cấp độ 4: Búi trĩ phình to, sa hẳn khỏi hậu môn và không thể đưa về vị trí cũ. Bệnh nhân đau đớn mỗi khi di chuyển, ngồi ghế.
Với 4 cấp độ kể trên, nếu phát hiện sớm ngay từ cấp độ 1, việc chữa trị sẽ dễ dàng, nhanh chóng. Nhưng do một số người mang tâm lý ngại ngùng không dám đi khám khiến cho tình trạng trở nên bất lợi cho chính họ.
Phân biệt bệnh trĩ nội và bệnh trĩ ngoại
Bệnh trĩ chia thành 2 loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội là trường hợp búi trĩ nằm bên trong ống hậu môn. Chính vì vị trí như vậy nên người bệnh không thể quan sát bằng mắt thường. Nơi này cũng khó cảm nhận đau do không có dây thần kinh cảm giác. Bạn chỉ có thể phát hiện sớm trĩ nội khi đại tiện ra máu.
Bệnh trĩ ngoại là tình trạng búi trĩ nằm ở bên ngoài sát cửa hậu môn bị phình to. Vị trí này dễ quan sát bằng mắt thường, dễ cảm nhận bởi chúng vướng víu. Bạn có thể sờ, cảm nhận bằng tay một cách dễ dàng. Trị ngoại có tỷ lệ xuất hiện ít hơn so với trĩ nội, tuy nhiên sức ảnh hưởng của chúng là như nhau.
Nếu một người vừa bị trĩ nội vừa bị trĩ ngoại thì gọi đó là bệnh trĩ hỗn hợp. Tình trạng này sẽ khiến việc chữa trị khó khăn hơn, bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong đời sống hàng ngày.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ, điển hình là những lý do sau:
- Do chế độ ăn uống không khoa học. Nếu bạn ăn quá ít chất xơ, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh trĩ. Thiếu chất xơ khiến hệ tiêu hóa dễ gặp rối loạn. Từ đó dẫn đến nguyên nhân tiếp sau đây.
- Táo bón làm cho bạn đại tiện khó, phải dùng sức rặn. Điều này khiến áp lực lên tĩnh mạch tăng cao, dãn tĩnh mạch, ứ máu. Tần suất liên tục sẽ gây nên trĩ.
- Người ngồi một chỗ quá lâu cũng có khả năng cao mắc bệnh trĩ. Trọng lượng cơ thể tạo thành áp lực lớn cho khu vực hậu môn.
- Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ sau sinh bị em bé chèn ép khung xương chậu suốt 9 tháng nên nguy cơ mắc bệnh cao không kém. Bên cạnh đó, những người bị béo phì cũng gặp tình trạng tương tự.
- Quan hệ tình dục qua hậu hôn là tác nhân trực tiếp gây nên trĩ. Ma sát mạnh thậm chí sẽ làm rách da, chảy máu khiến tình trạng tồi tệ hơn.
Ảnh hưởng của bệnh trĩ đến đời sống hàng ngày
Trong thời kỳ 1 và 2 của bệnh trĩ, bệnh nhân thường không gặp xáo trộn trong đời sống. Mọi sinh hoạt đều bình thường nên không ít người chủ quan. Chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng mới tạo nên phiền toái.
Bệnh trĩ sẽ ảnh hướng rất nhiều đến cuộc sống hàng ngày
Trước hết, bệnh nhân “sợ” đi đại tiện bởi mỗi lần đại tiện sẽ rất đau rát, có máu. Tâm lý lo sợ đó làm cho nhiều người “nhịn”. Càng “nhịn” đại tiện, chất thải, chất độc càng tích tụ trong người và tác động lên hệ tiêu hóa, gây ra các căn bệnh khác.
Tiếp theo, nỗi ám ảnh mỗi khi đứng lên, ngồi xuống. Khi búi trĩ bị sa ra ngoài hậu môn, lúc bệnh nhân ngồi, di chuyển...sẽ tạo nên ma sát. Lớp da này vô cùng mỏng nên người bệnh luôn cảm thấy đau đớn, khó chịu. Nhiều bệnh nhân nói rằng họ như đang ngồi trên một chậu xương rồng đầy gai vậy.
Dễ bị thiếu máu do búi trĩ vỡ dẫn đến chảy máu thường xuyên. Có khả năng bị viêm nhiễm do không được giữ vệ sinh sạch sẽ.
Cuối cùng, nếu bệnh trở nặng, bệnh nhân sẽ bị rối loạn chức năng, cơ hậu môn không còn hoạt động dẫn đến đại tiện không tự chủ.
Dù bệnh trĩ hay bất kỳ bệnh gì bạn cũng không nên chủ quan. Hãy luôn khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 1 năm 1 lần. Nếu thấy cơ thể có những biểu hiện lạ, đừng ngần ngại đi khám bác sĩ. Sức khỏe và cơ thể của bạn quý giá hơn bất cứ thứ gì trên đời. Hãy luôn trân trọng và bảo vệ nó bạn nhé.