5 nguyên nhân chính gây rối loạn tiêu hóa mà bạn cần phải biết

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng phổ biến mà hầu như ai cũng từng mắc phải ít nhất 1 lần trong đời. Khi bị tình trạng này, người bệnh thường gặp phải nhiều bất tiện trong sinh hoạt thường ngày. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này? Có những cách ngăn ngừa và chữa trị chứng rối loạn đường tiêu hóa nào hiệu quả? Hãy cùng tìm lời giải đáp những thắc mắc trên qua bài viết sau nhé.

 

 rối loạn tiêu hóa


Rối loạn tiêu hóa là gì?


Có thể bạn không biết, rối loạn tiêu hóa không phải bệnh lý mà là hậu quả của một số nguyên nhân nhất định. Trong đó, có thể kể đến các nguyên nhân như viêm đại tràng, viêm ruột, chế độ ăn uống không khoa học, rượu bia…


Đường tiêu hóa bị rối loạn là thuật ngữ để chỉ các biểu hiện bất thường liên quan đến hoạt động tiêu hóa như: đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu xảy ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người bệnh. Đáng chú ý hơn, trong nhiều trường hợp nếu để chứng rối loạn kéo dài và không được xử lý dứt điểm có thể dẫn đến các biến chứng như: hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, thậm chí ung thư ruột,…


Nguyên nhân gây chứng rối loạn tiêu hóa phổ biến


Theo nhiều nghiên cứu, có rất nhiều nguyên nhân được xác định có thể gây ra chứng rối loạn đường ruột. Song, có 5 nguyên nhân phổ biến khiến đường tiêu hóa bị rối loạn như:


1. Do chế độ ăn uống


Việc tiêu thụ đồ ăn, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và nguồn gốc xuất xứ là nguyên nhân khiến đường ruột dễ bị nhiễm khuẩn. Từ đó gây nên tình trạng thông thường như đau bụng, tiêu chảy. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống thiếu cân bằng dưỡng chất cùng thói quen ăn quá nhanh, ăn uống thất thường hay vừa ăn vừa làm việc cũng chính là tác nhân gây nên tình trạng rối loạn.


2. Sử dụng quá nhiều bia rượu


Nếu một người uống quá nhiều bia, rượu hoặc đồ uống có cồn sẽ làm chết một lượng lớn lợi khuẩn. Hậu quả là làm loạn khuẩn đường ruột cũng như gây rối loạn đường tiêu hóa. Đó là lý do vì sao sau khi sử dụng bia rượu, nhiều người thường gặp phải tình trạng đau bụng, đi ngoài liên tục, bị đầy hơi hoặc trướng bụng.

 

 rối loạn tiêu hóa khi dung rượu bia


Không những thế, đồ uống có cồn còn làm mòn lớp nhầy trên thành đại tràng. Điều này khiến cho lớp niêm mạc đại tràng bị tổn thương, gây nên tình trạng viêm loét cùng các triệu chứng như đau bụng, đi ngoài, phân sống, lỏng, nát, không thành khuôn,…


3. Loạn khuẩn đường ruột do lạm dụng kháng sinh


Kháng sinh không chỉ giúp tiêu diệt hại khuẩn mà còn tiêu diệt luôn cả lợi khuẩn. Vì thế, việc lạm dụng kháng sinh quá mức sẽ gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Lâu dần sẽ gây nên tình trạng đường tiêu hóa bị rối loạn, thậm chí tệ hơn là kháng kháng sinh. Bởi vậy, khi muốn sử dụng các loại thuốc này, bạn cần có chỉ định cụ thể từ bác sĩ.


4. Do stress, căng thẳng


Khi não bị stress hay căng thẳng trong thời gian dài sẽ làm rối loạn nhu động ruột, gây nên những cơn đau do co thắt mạnh ở đại tràng. Những cơn co bóp này sẽ làm chết một lượng lớn lợi khuẩn, hệ vi sinh trong đường ruột bị mất cân bằng dẫn đến tình trạng rối loạn. Điều này lý giải vì sao khi bị stress hay căng thẳng, nhiều người thường cảm thấy đau bụng và buồn đi vệ sinh.


5. Do bệnh lý


Ngoài những nguyên nhân được kể trên, các bệnh lý nền như viêm đại tràng, viêm ruột, hội chứng ruột kích thích,… cũng khiến cho dạ dày và đại tràng hoạt động kém hiệu quả. Gây nên tình trạng như chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, đi ngoài, táo bón, dẫn đến rối loạn đường ruột.


Triệu chứng thường thấy khi bị rối loạn đường tiêu hóa

triệu chứng rối loạn tiêu hóa


-    Rối loạn đại tiện: Người bệnh sẽ cảm thấy đau từng cơn. Tần suất đi đại tiện không đều đặn như bình thường, có thể bị tiêu chảy nhiều hơn hoặc ngược lại, thậm chí có thể xảy ra tình trạng tiêu chảy và táo bón xen kẽ thất thường.
-    Đau bụng: Tùy tình trạng mà bệnh nhân có thể bị đau bụng từng cơn hoặc đau âm ỉ. Vị trí đau bụng dưới bên trái, đôi khi nằm ở một số vị trí khác hoặc lan tỏa ra phía sau lưng.
-    Đầy hơi, khó tiêu: Đây là triệu chứng thường gặp nhất với các biểu hiện như bụng căng, trướng, ợ hơi liên tục hoặc trung tiện nhiều lần.
-    Một số triệu chứng khác có thể bắt gặp khi bị rối loạn đường tiêu hóa bao gồm: ợ chua, đắng hoặc hôi miệng, buồn nôn, nôn ói,…


Biện pháp điều trị rối loạn tiêu hóa


Do nhiều nguyên nhân gây rối loạn đường tiêu hóa nên việc điều trị cũng tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể.
Đối với tác nhân do ăn uống, việc điều chỉnh dinh dưỡng và lựa chọn những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa là điều rất cần thiết. Bệnh nhân nên thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn đồ quá cay nóng, quá chua, quá nhiều đạm hoặc dầu mỡ. Đối với những người mắc tiêu chảy mạn tính, không nên sử dụng nhiều thức ăn giàu xơ. Ngoài ra, người bệnh nên được bổ sung men tiêu hóa và các loại thức uống có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa tốt hơn.


Hoặc bạn có thể sử dụng thuốc kháng sinh đúng liều để điều trị các bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải có được sự đồng ý và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.


Đối với trường hợp rối loạn đường tiêu hóa trở nặng, bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện. Bệnh nhân sẽ được truyền dịch nếu bị mất nước do nôn ói và tiêu chảy. Trong các trường hợp sốt cao, mất máu do đi ngoài ra máu, tiêu chảy mất nước,… bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.


Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng đường tiêu hóa bị rối loạn?


Để phòng ngừa các vấn đề ở dạ dày và ruột một cách khoa học, bạn nên chú ý thực hiện theo một số lời khuyên của các chuyên gia như sau:


-    Bổ sung lợi khuẩn nhằm cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột cho cơ thể bằng các loại men vi sinh và men tiêu hóa.
-    Không lạm dụng và hạn chế tối đa các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
-    Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
-    Đối với các bệnh nhân có dấu hiệu táo bón nên bổ sung thêm chất xơ cũng như uống nhiều nước hàng ngày.
-    Nên tạo thói quen đi vệ sinh đều đặn và đúng giờ kết hợp thường xuyên tập luyện, vận động thân thể.


Ngoài ra, việc ăn chậm nhai kỹ, để tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng cũng là cách giúp ngăn ngừa rối loạn hiệu quả. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc uống mà hãy tham khảo trước ý kiến chuyên môn và chỉ định của các bác sĩ.
Qua bài viết trên, hy vọng bạn đã biết thêm về nguyên nhân gây tình trạng rối loạn tiêu hóa. Từ đó biết được cách phòng ngừa và có được phác đồ điều trị rối loạn đường tiêu hóa hiệu quả.

Tin liên quan